KỸ THUẬT GIEO CẤY GIỐNG LÚA CHẤT LƯỢNG SMART 888
1. Nguồn gốc & đặc điểm: Giống lúa thuần chất lượng SMART 888 do Công ty TNHH Hạt giống Việt chọn tạo, bảo hộ và chuyển giao quyền độc quyền sản xuất, kinh doanh cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang . Giống cảm ôn, có thể gieo trồng được tất cả các vụ trong năm, thích hợp chân đất vàn cao, vàn và vàn hơi trũng. Thời gian sinh trưởng vụ xuân (118-120 ngày), vụ mùa (104-107 ngày). Giống có dạng hình đẹp, cứng cây, sinh trưởng & phát triển khoẻ và chống chịu khá tốt với các loại sâu bệnh hại chính. Smart 888 có bông lúa to dài, số hạt trên bông nhiều hơn có ý nghĩa so với các giống khác, màu hạt vàng sáng, khối lượng 1.000 hạt (23-24 gam). Giống cho năng suất cao và ổn định, trung bình đạt (6-7 tấn/ha), thâm canh đạt (8-9 tấn/ha). Giống có dạng gạo hạt dài, trắng, trong, mẫu mã đẹp và đạt tiêu chuẩn hạt gạo dài xuất khẩu. Cơm trắng, dẻo, bóng và có vị rất ngon.
2. Thời vụ gieo trồng: Tuân thủ theo hướng dẫn của mỗi địa phương. Có thể tham khảo lịch thời vụ sau: Từ 15/1-5/2 trong vụ xuân và 20/5-15/6 trong vụ mùa đối với vùng Đồng bằng sông Hồng & Trung du miền núi phía Bắc. Từ 10/1-30/1 trong vụ xuân và 15/5-10/6 trong vụ mùa đối với vùng Bắc Trung bộ.
3. Kỹ thuật ngâm ủ & gieo mạ: Ngâm ủ tương tự như các giống lúa thuần khác. Ngâm hạt giống 30-35 giờ (vụ mùa) và 40-45 giờ (vụ xuân); cứ 5-6 giờ thay nước rửa chua 1 lần. Xả sạch không còn mùi chua, để ráo nước rồi đem ủ. Khi rễ dài bằng hạt thóc và mầm dài 1/3-1/2 hạt thóc thì đem gieo. Mạ gieo thưa đảm bảo đanh dảnh, có ngạnh trê. Tuổi mạ cấy 4-5 lá đối với mạ dược và 3-3,5 lá đối với mạ dày xúc.
4. Kỹ thuật cấy, gieo sạ & lượng giống: Mật độ có thể cấy từ 35-45 khóm/m2 tuỳ từng điều kiện cụ thể. Cấy 2-3 dảnh/khóm. Nếu sạ, nên sạ thưa và theo hàng. Khuyến cáo lượng giống sử dụng từ 35-45 kg/ha đối với lúa cấy.
5. Lượng phân & cách bón (cho 1 ha): Phân chuồng: 10 tấn; Super Lân: 400-500 kg; Kali Clorua: 150-160 kg; Đạm Urê: 190-210 kg (vụ xuân) và 170-190 kg (vụ mùa). Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân Lân, 40% phân Đạm, 30% phân Kali. Bón thúc lần 1 sau khi lúa bén rễ hồi xanh: 50% phân Đạm & 40% phân Kali. Bón thúc lần 2 khi lúa đứng cái: Lượng phân Đạm & Kali còn lại. Sử dụng phân tổng hợp, quy đổi tỷ lệ phù hợp.
6. Chăm sóc & phòng trừ sâu bệnh: Tưới nước theo yêu cầu sinh lý của cây lúa và thực tế đồng ruộng. Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh, khi thấy các đối tượng gây hại phải phun phòng ngay theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật.
7. Thu hoạch: Gặt kịp thời khi có khoảng 80-95% số hạt/bông đã chín. Phơi khô đến độ ẩm 14%. Không phơi khô quá gạo sẽ bị gãy, vỡ khi xay xát.